“Những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thường suốt ngày soi gương và rất nhạy cảm khi ai đó nhắc đến ngoại hình của mình. Khi bị ám ảnh quá mức, họ có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, chán nản, phiền muộn… nếu không được phẫu thuật thẩm mỹ”, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ về dấu hiệu của những người “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ.
Thời gian gần đây, showbiz xôn xao chuyện nhiều nghệ sĩ “đang đẹp, tự nhiên phẫu thuật thẩm mỹ”. Là bác sỹ lâu năm trong lĩnh vực này, anh có bình luận gì về vấn đề này?
Với hơn 10 năm trong nghề làm đẹp, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều khách hàng khác nhau, không chỉ chị em phụ nữ mà có cả các đấng mày râu. Có người kĩ tính, có người lại đơn giản… nhưng mục đích chung của họ khi đến với tôi đều vì mong muốn được trẻ hơn, đẹp hơn, để tự tin hơn trong cuộc sống. Đặc biệt với các nghệ sĩ thì ngoại hình, sắc vóc rất quan trọng với họ. Chính vì thế, việc họ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc là điều hoàn toàn bình thường, dễ hiểu.
Tuy nhiên, sẽ chẳng ồn ào nếu như không có chuyện họ đang sở hữu ngoại hình ổn, thậm chí là đẹp, nhưng vẫn cứ “đập đi xây lại”. Nhiều người nói đó là chứng “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ. Có điều này hay không, thưa bác sĩ?
Thật ra, đôi khi phải chính người trong cuộc mới biết cơ thể, gương mặt họ đang khiếm khuyết ở đâu và cần thay đổi cái gì cho hoàn hảo. Sửa được cái mũi cao đã đẹp rồi nhưng sẽ đẹp hơn nếu nó đi cùng đôi mắt to, đôi môi trái tim và khuôn mặt thon gọn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp do phẫu thuật hỏng nên phải bất đắc dĩ sửa đi sửa lại nhiều lần.
Ai cũng muốn mình đẹp hơn, hoàn hảo hơn và ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã giúp họ thực hiện điều đó. Tuy nhiên, rất nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra do lạm dụng dao keo. Theo bác sĩ, nguyên nhân do đâu?
Yêu cái đẹp và thích làm đẹp là không sai. Nhưng nếu làm đẹp một cách mù quáng, quá đà, tham lam, không có kiến thức thì rất dễ dẫn đến những tai biến. Khi đã can thiệp nhiều, sử dụng nhiều thuốc, nhiều sản phẩm trên khuôn mặt sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên, thậm chí không còn là chính mình nữa. Bởi vậy, hãy tìm hiểu thật kỹ, hiểu rõ cơ thể mình và tìm đến những cơ sở thẩm mỹ chuyên nghiệp, những bác sĩ uy tín để gửi gắm chứ đừng dễ dễ quá trên khuôn mặt của mình, để rồi sau này hối hận, muốn chỉnh sửa lại cũng không được.
Có trường hợp bệnh nhân hay khách hàng nào từng phải tìm đến anh để xử lý hậu quả của việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ?
Nhiều chứ! Có khách từng làm mũi 10 lần, mí mắt cắt đến 5- 6 lần… vẫn chưa thoả mãn. Với những trường hợp như vậy, tôi phải khám và tư vấn rất cụ thể kĩ càng. Có trường hợp thì tôi nhận sửa, nhưng cũng có những trường hợp tôi thẳng thắn từ chối và khuyên khách hàng nên để thêm thời gian nữa cho cơ thể phục hồi sau lần phẫu thuật trước. Có người nghe lời tôi nhưng cũng có người giận dỗi, đùng đùng đi tìm cơ sở thẩm mỹ khác để được sửa luôn, sửa ngay.
Có rất nhiều yếu tố như máy móc, trang thiết bị; cơ địa, sức khoẻ của mỗi người và cả sự may mắn. Nhưng quyết định 90% sự thành công của ca phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào chuyên môn và sự tâm huyết của bác sĩ thẩm mỹ. Bác sĩ có kinh nghiệm với cơ sở vật chất tốt thì tỉ lệ thành công cao, hạn chế tối đa được những rủi ro, tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân làm phẫu thuật thẩm mỹ bị tai biến hoặc tử vong đều xảy ra ở các spa nhỏ lẻ không đủ điều kiện gây mê, hồi sức, cấp cứu. Đấy là các tai biến lớn, còn những sai sót nhỏ như mũi vẹo, hoặc quá dài, quá cao, gây thủng sụn mũi, ngực bị co bao, lệch lạc… vẫn thường xảy ra. Vì vậy, bác sĩ thẩm mỹ phải luôn đặt an toàn và hiệu quả của bệnh nhân lên trên hết, không nên vì lợi nhuận hay thiếu hiểu biết mà làm không đúng quy định của cơ quan quản lý.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!